Trung Quốc chi gần tỷ USD mua sầu riêng Việt, xuất khẩu tăng đột biến 1.882%

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi tới 835 triệu USD mua sầu riêng của Việt Nam. Nhờ đó, xuất khẩu loại quả này của nước ta tăng đột biến 1.882% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5 và 6/2023, xuất khẩu sầu riêng của nước ta tăng đột biến, thu về lần lượt là 332 triệu USD và 375 triệu USD so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Theo đó, nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng đột biến 1.882% so với mức 44,2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta trong 6 tháng vừa qua.

Sầu riêng cũng vươn lên vị trí top 1 trong nhóm trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, thay thế vị trí của quả thanh long.

Đó là nhờ việc Trung Quốc mở cửa chính ngạch cho quả sầu riêng Việt Nam vào tháng 7/2022. Từ giữa tháng 9/2022 – lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc) – đến nay, kim ngạch trái cây này liên tục lập kỷ lục mới.

Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng cũng giúp Việt Nam thu về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm trước đó.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group, hầu hết doanh nghiệp đều tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo nghị định thư đã ký. Riêng doanh nghiệp của ông ký được đơn hàng xuất khẩu 1.500 container sầu riêng với đối tác phía Trung Quốc.

Đến nay, doanh nghiệp đã trả được hơn 30% đơn hàng và đang tích cực thu mua sầu riêng vận chuyển sang Trung Quốc.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ sầu riêng ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến.

Tháng 7 này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể giảm do phía Nam vào cuối vụ. Song, từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Tại vùng này, sầu riêng cho sản lượng lớn, chất lượng ngon đồng đều nên kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ duy trì ở ngưỡng cao.

Đáng nói, gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc nâng lên ngang ngửa với Thái Lan nhờ số lượng sầu riêng giống Dona chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi mới hơn. Đây là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ của sầu riêng Việt Nam, ông cho hay.

Thời điểm này, do vào cuối vụ nên giá sầu riêng bật tăng mạnh, lên mức 85.000-95.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Toàn trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, cho hay, thương lái đang vào vườn đặt cọc mua sầu riêng sô với giá 85.000-90.000 đồng/kg tùy giống. Anh đã chốt bán một vườn 2ha, còn vườn 1,5ha chưa chốt vì giá vẫn có xu hướng tăng cao.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, nếu như năm 2017, cả nước có 37.000ha sầu riêng thì đến năm 2022 đã tăng lên 110.300ha. Trong đó, nhiều nhất là Tây Nguyên tăng 39.300ha, ĐBSCL tăng gần 15.000ha và Đông Nam bộ tăng gần 14.000ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước trong giai đoạn này là 24,5%.

Sản lượng sầu riêng năm 2023 ước khoảng 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350 nghìn tấn, quý IV ước đạt 260 nghìn tấn.

Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu hơn 800 nghìn tấn sầu riêng, thu về 3,5 tỷ USD. Việt Nam dự kiến sản lượng sầu xuất khẩu năm nay có thể lên tới 400.000-500.000 tấn, kim ngạch ước đạt 1,5 tỷ USD.

Theo Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *